"Đi quá chợ Lồ một tí, quẹo trái tìm vào Địch Giáo là thấy con đèo cao, đường lên xứ tiên ấy". Người bạn ở Hoà Bình nhắn tin chỉ đường là vậy. Nhưng phải trở đầu, trở đuôi năm bảy lượt mới tìm thấy con đèo cao ngất mà người bản địa gọi là dốc Mùn.
Anh lái xe người xứ biển kỳ quan Hạ Long cứ xuýt xoa: "Đẹp quá, cứ như tiên cảnh ấy!". Mà đẹp thật, con đèo cứ uốn lượn trong mây trắng, bên dưới là những bản Mường ẩn hiện như trong tranh. Những con suối như lụa nhẹ nhàng trôi trong mây. Ở chợ Lồ oi nồng là thế, vậy mà lên dốc Mùn trời se lạnh như xứ ôn đới. Lên đến đỉnh dốc ở độ cao nghìn mét, dưới chân đã là biển mây trắng ngần - xứ tiên có khác.
Tên gọi xứ này là Lũng Vân (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), nhưng nếu gọi Thung Mây cũng không sai, bởi đều cùng có nghĩa là thung lũng mây trắng. Cái thung lũng kỳ diệu nằm ở độ cao hơn 1.200 mét được bao bọc bởi những ngọn núi Trâu, núi Pó, núi Tiên lung linh huyền ảo. Nhưng xứ này còn có một cái tên khác ít người biết, đó là Mường Chậm, một Mường xưa nằm giữa xứ Mường Bi - một trong bốn xứ Mường cổ xưa nhất với "nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động".
Vẫn mang đặc trưng của bản Mường ở giữa những thung lũng có nguồn sông, nguồn suối, nhưng cái làm nên nét riêng biệt của Lũng Vân là thung lũng nằm trên mây — có lẽ đây là xứ Mường cao nhất của những xứ Mường Hoà Bình. Truyền thuyết tạo nên xứ Mường trong mây là một câu chuyện buồn của một cuộc trốn chạy quan lang ngày xưa, nhưng với ông Hà Văn Khuê, phó chủ tịch xã Lũng Vân thì đó là một xứ thần tiên mà những cư dân nơi này đa phần đều được ân hưởng "tuổi giời": "Cứ như tiên cảnh đấy anh ạ, lại không lo nghĩ, lo ăn, nên thọ lắm".
Theo ông phó chủ tịch xã, Lũng Vân chỉ có 400 bếp nhà sàn, nhưng các cụ được hưởng "tuổi giời" sống đến trăm tuổi thì có đến hàng chục cụ, còn tuổi "son son" 80, 90 thì không thể nhớ hết. Các cụ không sống tập trung ở bản nào, mà trải đều ra cả 12 bản làng trong thung lũng.
Hôm nay không phải là ngày chợ phiên, nhưng không gian chợ vẫn đầy ắp tiếng cười của bọn trẻ vui đùa ngày hè. Hai cụ bà cũng rộn ràng không kém khi chúng tôi vào thăm. Việc nương đã xong, cụ Đinh Thị Nhím, 80 tuổi từ bản Ngo xuống thăm "cô bạn" Đinh Thị Chơ, 93 tuổi ở xóm chợ. Cụ Nhím đi chơi chợ vẫn không mang theo chiếc gùi, vì "dọc đường có cây thuốc tiện thể hái về nấu nước uống thôi mà". Còn cụ Chơ vẫn ngày ngày trông quán xá cho cô con gái nay đã gần 60 tuổi đi chăn bò. Cụ Chơ cho biết: chồng cụ là Đinh Văn Cẩm, đã mất cách nay gần 10 năm, nếu còn sống, ông ấy đã 110 tuổi. Ở Lũng Vân người ta đã quen với những người "tuổi giời", bọn trẻ xóm chợ kháo với chúng tôi: "Các cụ này còn trẻ chán, các chú vào bản đi, người già ít đi chơi như các cụ trẻ ngoài chợ".
Vượt con dốc cao vào bản Nghẹ, trước mắt chúng tôi là căn nhà sàn cao to và rất sạch sẽ. Đây là nhà của cụ Đinh Thị Hệu, người được ông Khuê, phó chủ tịch giới thiệu là "tiên nhất cõi tiên": 111 tuổi. Cụ Hệu không nói được tiếng Kinh và lãng tai, nên cô con dâu thứ sáu của cụ, bà Đinh Thị Linh, 65 tuổi phải đứng ra làm phiên dịch. Bà Linh thật thà cho biết: "Cụ nhà tôi chưa phải là người cao tuổi nhất Lũng Vân, mấy năm trước có cụ Báng sống đến gần 120 tuổi kìa". Cụ bà sống qua ba thế kỷ Đinh Thị Hệu vẫn ngày ngày ngồi bên bếp lửa đảm nhận phần việc đun nấu thuốc cho người con trai thứ sáu — ông Đinh Văn Nhẫn, 70 tuổi, một thầy thuốc nổi tiếng xứ Mường Chậm. Ông Nhẫn cho biết: "Cụ bà không có giấy tờ gì chứng minh cụ sinh năm nào, nhưng anh cả nhà tôi năm nay đã 90 tuổi và ông ấy cho biết bà cụ lập gia đình năm 20 tuổi, nên đoán được cụ năm nay đã 111 tuổi".
Cụ Hệu ngồi nhìn khách lạ, tay vẫn không quên củi lửa và những ấm nước thuốc trên bếp. Cô con dâu cho biết: "Cụ bà còn khoẻ và minh mẫn, mới năm ngoái còn đi nương đi rẫy. Từ đầu năm đến giờ do bị thấp khớp nên cụ ở nhà trông lò thuốc cho gia đình. Cụ cũng dễ ăn, con cháu ăn gì, cụ ăn nấy, có hôm một mình cụ ăn hết hai gói mì tôm một cách ngon lành".
Bí quyết nào mà đa phần các cụ ở Lũng Vân có được "tuổi giời"? Ông Hà Văn Khuê, phó chủ tịch xã Lũng Vân nói: "Có người nói do nguồn nước của dòng suối Bụt rất tinh khiết tạo nên, và trên này có nhiều cây thuốc quý, từ bao đời nay bà con thường nấu nước uống như dưới xuôi uống chè... Nhưng theo tôi, do cuộc sống quanh năm trong mây, bà con lại sống vô tư, không bao giờ nghĩ ngợi, toan tính thiệt hơn, đa số vẫn an nhàn với việc tự sản tự tiêu, mà sản vật núi rừng của khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông dường như bất tận nên các cụ sống lâu trăm tuổi".